sốt xuất huyết dengue
Rate this post

sốt xuất huyết dengue

Sốt xuất huyết dengue, tại Việt Nam được gọi chung là sốt xuất huyết (SXH), có biểu hiện nặng nhất của bệnh là hội chứng sốc dengue (dengue shock syndrome, DSS) được gây ra do virus Dengue (chi Flavivirus, họ Flaviviridae).
Virus dengeu có 4 chủng huyết thanh khác nhau: EN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó. Vì vậy mà những người sống trong vùng lưu hành dịch dengue có thể mắc SXH nhiều lần trong đời. Sốt dengue và SXH dengue là hai bệnh chủ yếu  ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nhiễm virus dengue gây nên các triệu chứng lâm sàng khác nhau tùy từng cá thể. Bệnh có thể biểu hiện như một hội chứng nhiễm virus không đặc hiệu hoặc bệnh lý xuất huyết trầm trọng và có thể dẫn đến tử vong .
Sốt xuất huyết dengue là bệnh do virus lây truyền do muỗi thường gặp nhất ở người.

I. NGUYÊN NHÂN MẮC BỆNH:

Người nhiễm virus dengue là do bị muỗi cái thuộc chi Aedes đốt. Muỗi Aedes aegypti là véc tơ truyền bệnh chủ yếu ở hầu hết các khu vực bệnh lưu hành. Muỗi Aedes aegypti chỉ hoạt động vào ban ngày và chỉ muỗi cái mới đốt người và truyền bệnh. Khi muỗi cái Aedes hút máu người nhiễm virus dengue, virus sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi khoảng 8 – 11 ngày. Trong khoảng thời gian sống còn lại, muỗi có nguy cơ truyền bệnh cho người khác. Khi virus xâm nhập vào cơ thể người, chúng tuần hoàn trong máu từ 2 đến 7 ngày. Trong khoảng thời gian này nếu muỗi Aedes hút máu thì virus lại được truyền vào muỗi.
Người là ổ chứa virus dengue chính, Aedes aegypti nguồn gốc từ châu Phi. Loài muỗi này dần dần lan ra hầu hết các khu vực khí hậu nhiệt đới.
Trong quá khứ, muỗi Aedes aegypti từng phải sống nhờ vào các vũng nước mưa để đẻ trứng. Tuy nhiên ngày nay quá trình độ đô thị hóa diễn ra với tốc độ ồ ạt đang cung cấp cho muỗi những hồ nước nhân tạo để muỗi đẻ trứng nhiều hơn.

II. SINH LÝ CỦA BỆNH:

Nhiễm virus dengue thường không có biểu hiện rõ ràng. Sốt dengue cổ điển (thể nhẹ) chủ yếu ở người lần đầu mắc bệnh, và chưa có miễn dịch. Sốt xuất huyết dengue/Hội chứng sốc dengue (thể nặng) thường xảy ra trong những lần nhiễm trùng sau, khi bệnh nhân đã có sẵn miễn dịch chủ động (do đã bị bệnh) hoặc thụ động (do mẹ truyền sang con) đối với một loại huyết thanh khác. Bệnh thường biểu hiện nặng đột ngột sau 2 đến 5 ngày (giai đoạn hạ sốt). Các phức hợp kháng nguyên – kháng thể lưu hành trong máu, sự hoạt hóa hệ thống bổ thể và giải phóng các chất hoạt mạch gây tăng tính thấm mao mạch đối với huyết tương, xuất huyết và có thể là đông máu nội mạch lan tỏa. Trong quá trình đào thải miễn dịch của các tế bào nhiễm virus, các protease và lymphokine sẽ  phóng thích gây hoạt hóa hệ thống bổ thể cũng như các yếu tố tăng tính thấm thành mạch.

Miễn dịch tăng cường bệnh: Một số nhà nghiên cứu giả thiết rằng “thể nặng của bệnh là sốt xuất huyết dengue/hội chứng sốc dengue thường xảy ra khi một người đã nhiễm bệnh trong quá khứ bởi một loại huyết thanh virus nay lại nhiễm một loại huyết thanh virus khác”. Giả thiết này được củng cố bởi các ghi nhận lâm sàng: sốt xuất huyết dengue chủ yếu gặp ở những người đã ít nhất một lần mắc bệnh trước đó và sốt xuất huyết dengue xảy ra thường xuyên hơn ở các cư dân trong vùng dịch lưu hành hơn là các du khách mắc bệnh tại nơi này trong cùng thời điểm. Nếu giả thiết này là đúng thì việc lưu chuyển các loại huyết thanh virus khác nhau từ vùng này đến vùng khác trên thế giới sẽ ngày càng gây nên tình trạng bệnh nặng hơn trong tương lai

Tóm lại, yếu tố nguy cơ gây bệnh nặng hơn trong sốt xuất huyết dengue là người sẵn có kháng thể kháng lại một loại huyết thanh đã gây bệnh trước đó, chủng virus gây bệnh, trẻ nhỏ hơn 12 tuổi, phụ nữ và người Caucasian (da trắng).

LEAVE A REPLY
Please enter your comment!