sự hấp thu thuốc qua đường tiêu hóa
5/5 - (1 bình chọn)

Hấp thu thuốc qua đường tiêu hóa

sự hấp thu thuốc qua đường tiêu hóa

Hấp thu qua niêm mạc miệng

Khi uống thuốc chỉ lưu lại ở khoang miệng một khoảng thời gian rất ngắn rồi chuyển nhanh xuống dạ dày nên hầu như không có sự hấp thu tại đây. Tuy nhiên nếu dùng thuốc dưới dạng viên ngậm hoặc đặt dưới lưỡi thì một số thuốc ưa lipid không bị ion hóa sẽ nhanh chóng được hấp thu theo cơ chế khuếch tán đơn thuần. Niêm mạc miệng đặc biệt là vùng dưới lưỡi có hệ mao mạch phong phú nằm ngay dưới lớp màng đáy của tế bào biểu mô nên thuốc được hấp thu nhanh, vào thẳng vòng tuần hoàn chung không qua gan, tránh được nguy cơ bị phá hủy bởi dịch tiêu hóa và chuyển hóa bước một ở gan. Trong thực tế lâm sàng, người ta đặt dưới lưỡi một số thuốc chống cơn đau thắt ngực như nitroglycerin, isosorbid dinitrat, nifedipine, thuốc chống co thắt phế quản như isoprenalin, một số hormon…

Các thuốc dùng qua niêm mạc phải tan trong nước, không gây kích ứng niêm mạc và không có mùi khó chịu

Hấp thu qua niêm mạc dạ dày:

Sau khi uống, thuốc từ khoang miệng đi nhanh qua thực quản (khoảng 10s đối với chất rắn, 1-2s đối với chất lỏng) rồi chuyển nhanh xuống dạ dày. Niêm mạc dạ dày chủ yếu là niêm mạc tiết, không có nhung mao, khe hở giữa các tế bào biểu mô rất hẹp. Mặt khác, ở dạ day hệ thông mao mạch ít hơn rất nhiều so với ruột non; pH dịch dạ dày rất thấp (1-3) nên nói chung chỉ những thuốc có bản chất là acid yếu (thuốc ngủ barbiturat, aspirin..), một số thuốc có hệ số phân bố lipid/nước cao mới được hấp thu qua niêm mạc dạ dày

Hấp thu qua niêm mạc ruột non:

Niêm mạc ruột non là nơi hấp thu tốt nhất trong số các niêm mạc đường tiêu hóa và hầu hết các thuốc được hấp thu ở đây vì có mốt ố đặc điểm sau:

+ Diện tích tiếp xúc lớn. Ruột non bao gồm tá tràng, hỗng tràng và hồi tràng. Trên niêm mạc ruột non bắt đồi từ hỗng tràng kéo dài xuống cách hồi tràng 60-70cm có những van ngang hình lưỡi liềm. Trên niêm mạc và trên những van ngang này có rất nhiều nhung mao. Tổng diện tích tiếp xúc của các nhung mao là khoảng 40-50m2. Bờ tự do của các tế bào biêu mô của nhung mao lại chia thành các vi nhung mao nên diện tích hấp thu của niêm mạc ruột non được tăng lên rất nhiều.

+ Hệ thống mao mạch phong phú tạo điều kiện thuận lợi cho việc hấp thu. Năm ngang dưới lớp đáy của tế bào biểu mô của nhung mao là hệ thống dày đặc các mao mạch với lưu lượng máu cao (khoảng 0,9l/phút)

+ Giải pH từ acid nhẹ đến kiềm nhẹ thích hợp cho việc hấp thu các thuốc có tính kiềm nhẹ hoặc acid khác nhau

+ Có các dịch tiêu hóa như dịch tụy, dịch ruột, đặc biệt là dịch mật trong đó có các acid mật, muối mật có tác dụng nhũ tương hóa các chất tan trong lipid, tăng khả năng hấp thu các vitamin tan trong dầu như vitamin A,D,E,K

+ Ở niêm mạc ruột non có nhiều các chất mang nên ngoài cơ chế khuếch tán đơn thuần, ẩm bào, thực bào, ở đây quá trình hấp thu thuốc còn được thực hiện theo cơ chế khuếch tán thuận lợi và vận chuyển tích cực. Như vậy hầu hết  các thuốc tùy tính chất chúng có thể được hấp thu qua niêm mạc ruột non theo những cơ chế khác nhau.

Hấp thu qua niêm mạc ruột già

Sự hấp thu thuốc của niêm mạc ruột già kém hơn nhiều so với niêm mạc ruột non vì diện tích tiếp xúc nhỏ hơn, ít các enzym tiêu hóa. Chức năng chủ yếu của niêm mạc ruột già là hấp thu nước, Na+, Cl-,K+ và một số chất khoáng. Ngoài ra một số chất tan trong lipid cũng được hấp thu ở đây.

Đặc biệt phần cuối ruột già cso khả năng hấp thu thuốc tốt hơn vì có hệ thống tĩnh mạch phong phú. Tĩnh mạch trực tràng dưới và tĩnh mạch trực tràng giữa đổ vào máu về tĩnh mạch chủ dưới rồi về tim, không qua gan. Tĩnh mạch trực tràng trên đổ máu về tĩnh mạch cửa, qua gan. Như vậy, khi dùng qua đường trực tràng tùy theo thuốc nằm ở phần nào của trực tràng mà nó có thể vào thẳng tĩnh mạch chủ dưới không qua gan hoặc phải qua gan.

Dạng thuốc qua đường trực tràng là thuốc đạn hoặc thuốc thụt. Người ta dùng đường trực tràng trong những trường hợp không uống được hoặc thuốc có mùi vị khó chịu

LEAVE A REPLY
Please enter your comment!