Lợi ích của aspirin đối với những bệnh nhân tim mạch đã được biết đến từ lâu, nhưng ở những bệnh nhân chưa từng trải qua biến cố tim mạch nào thì việc sử dụng aspirin vẫn chưa được rõ ràng. Bệnh nhân đái tháo đường loại 2 có nguy cơ tim mạch cao gấp 2 – 3 lần người không bệnh. Tuy nhiên, phần đông những bệnh nhân này lại không có biểu hiện của các bệnh lý về mạch máu.
Vào năm 2009, phân tích của nhóm Antithrombotic Trialists’ Collaboration dựa vào 6 nghiên cứu về phòng ngừa tiên phát trên 95,000 bệnh nhân cho thấy aspirin làm giảm 12% nguy cơ biến cố tim mạch nghiêm trọng, nhưng lại làm tăng nguy cơ xuất huyết khoảng 50%. Trong số những người tham gia, chỉ có khoảng 4% bị đái tháo đường. Độ giảm nguy cơ tim mạch tương đối ở nhóm bệnh nhân này tương đương với độ giảm ở nhóm không bị đái tháo đường. Tương tự như vậy, độ tăng nguy cơ xuất huyết tương đối ở nhóm đái tháo đường và nhóm không bị đái tháo đường cũng gần như nhau. Sau đó, nhiều phân tích khác cũng chỉ ra rằng sự cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ của việc sử dụng aspirin trong phòng ngừa tiên phát ở bệnh nhân đái tháo đường vẫn không có gì chắc chắn.
Nghiên cứu ASCEND (A Study of Cardiovascular Events iN Diabetes) được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả và độ an toàn so với giả dược của việc sử dụng aspirin 100mg/ngày có màng bọc tan trong ruột ở những bệnh nhân đái tháo đường nhưng chưa có biểu hiện của bệnh tim mạch khi thử nghiệm bắt đầu. Tiêu chí nghiên cứu chính về hiệu quả là tổng hợp các biến cố tim mạch nghiêm trọng đầu tiên, bao gồm nhồi máu cơ tim không tử vong, đột quỵ (không tính đột quỵ do xuất huyết) không tử vong hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua, và tử vong do tim mạch (không tính các trường hợp tử vong do xuất huyết nội sọ). Tiêu chí nghiên cứu chính về an toàn là tổng hợp các trường hợp xuất huyết nghiêm trọng đầu tiên, bao gồm xuất huyết nội so, xuất huyết ở mắt đe dọa đến thị lực, xuất huyết tiêu hóa, và những dạng xuất huyết nghiêm trọng khác như xuất huyết dẫn đến nhập viện hay truyền máu, hoặc dẫn đến tử vong. Tổng cộng 15,480 bệnh nhân đái tháo đường loại 2 tham gia thử nghiêm với thời gian theo dõi trung bình là 7.4 năm. Những người tham gia được phân chia ngẫu nhiên thành nhóm sử dụng aspirin 100mg/ngày và nhóm sử dụng giả dược.
Kết quả thu nhận được như sau:
Biến cố mạch máu nghiêm trọng lần đầu xảy ra ở nhóm aspirin với tỉ lệ thấp hơn đáng kể so với nhóm giả dược: 658 người [8.5%] vs. 743 người [9.6%]; rate ratio = 0.88, 95%CI = [0.79, 0.97]
Ngược lại, các trường hợp xuất huyết nghiêm trọng lần đầu xảy ra ở 314 người [4.1%] trong nhóm aspirin so với 245 người [3.2%] trong nhóm giả dược với rate ratio = 1.29, 95%CI = [1.09, 1.52]. Trong số các trường hợp xuất huyết, có 41.3% xuất huyết tiêu hóa, 21.1% xuất huyết ở mắt đe dọa đến thị lực, 17.2% xuất huyết nội so, và 20.4% xuất huyết nghiêm trọng ở những cơ quan khác. Tỉ lệ xuất huyết dẫn đến tử vong và tỉ lệ đột quỵ do xuất huyết tương đương nhau giữa nhóm aspirin và nhóm giả dược: 19 người [0.2%] vs. 16 người [0.2%] và 25 người [0.3%] vs. 26 người [0.3%]
Các phân tích cho thấy việc sử dụng aspirin ở bệnh nhân đái tháo đường loại 2 nhưng chưa có bệnh lý tim mạch giúp làm giảm nguy cơ tim mạch 12% nhưng lại làm tăng nguy cơ xuất huyết 29%. Khi sử dụng tỉ lệ tuyệt đối, độ giảm nguy cơ tim mạch có biên độ tương đương với độ tăng nguy cơ xuất huyết. Như vậy, lợi ích tuyệt đối của aspirin gần như bị cân bằng bởi nguy cơ chảy máu khi sử dụng trong phòng ngừa tiên phát ở nhóm bệnh nhân này.
Biên tập: Nguyễn Đức Như Khuê, PharmD/MPH
Tài liệu tham khảo: The ASCEND Study Collaborative Group. Effects of aspirin for primary prevention in persons with diabetes mellitus. N Engl J Med. Aug 26, 2018. doi: 10.1056/NEJMoa1804988.
Thông tin bổ sung: https://ascend.medsci.ox.ac.uk