Giới thiệu khái quát về môn học dược lý học

Xuất bản: UTC +7

Dược lý học(pharmacology) là môn học nghiên cứu về sự tác động giữa thuốc và cơ thể. Khi thuốc vào trong cơ thể, thuốc được cơ thể tiếp nhận như thế nào và cơ thể đã phản ứng ra sao dưới tác động của thuốc. Sự tác động qua lại giữa thuốc và cơ thể đã giúp dược lý học chia thành hai phần rõ rệt: Dược động học và dược lực học.

dược lý học

Dược lý học còn cho chúng ta những kiến thức cơ bản nhất về các nhóm thuốc dùng trong lâm sàng hiện nay bao gồm: thuốc tác dụng trên thần kinh trung ương (thuốc gây tê, gây mê, thuốc an thần – gây ngủ), thuốc giảm đau trung ương, thuốc chống động kinh, thuốc điều trị rối loạn tâm thần (thuốc ức chế tâm thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc điều hòa hoạt động tâm thần), thuốc tác dụng trên thần kinh thực vật, thuốc kháng sinh, thuốc kháng histamin, thuốc giảm đau chống viêm không steroid, thuốc chống viêm corticoid, thuốc điều trị các bệnh tim mạch (suy tim, điều trị rối loạn nhịp tim, điều trị tăng huyết áp…), thuốc điều trị thiếu máu, nhóm thuốc hormon, thuốc điều trị tăng lipid máu…

Dược động học (pharmacokinetics): nghiên cứu về sự tiếp nhận của cơ thể đối với thuốc. Đó là động học của sự hấp thu, phân phối, chuyển hóa, thải trừ. Các kiến thức về dược động học giúp cho thầy thuốc biết cách dùng thuốc hợp lý, hiệu quả (đường đưa thuốc vào cơ thể, liều dùng trong một lần, liều dùng trong ngày và trong đợt điều trị…)

Dược lực học: nghiên cứu về sự tác động của thuốc đối với cơ thể sinh vật. Thuốc có thể tác động trên các tổ chức, cơ quan hoặc hệ thống của cơ thể theo cơ chế khác nhau để cho hiệu quả điều trị (điều chỉnh được quá trình sinh lý bệnh thành quá trình sinh lý) hoặc thể hiện tác dụng không mong muốn.

Dược lý học là một cẩm nang cho các thầy thuốc trong sử dụng thuốc và hướng dẫn sử dụng thuốc hiệu quả, hợp lý, an toàn.

Ngoài ra, dược lý học còn nghiên cứu những vấn đề chuyên sâu:

Dược lý thời khắc (choronopharmacology): nghiên cứu ảnh hưởng của nhịp sinh học (hoạt động của cơ thể biến đổi nhịp nhàng, có chu kỳ theo ngày đêm). Tác động của thuốc có thể thay đổi theo nhịp này nên thầy thuốc cần biết để chọn thời điểm và liều lượng dùng thuốc. Ví dụ: cortisol được bài tiết tốt nhất vào lúc 8h – 9h sáng. Vì vậy cần cho thuốc corticoid 1 liều bằng tổng liều trong ngày vào lúc 8-9h sáng thay vì cho 2 lần sáng và chiều như trước.

Dược lý di truyền (pharmacogenetics): nghiên cứu tác động của thuốc trên những bệnh lý mang tính di truyền. Ví dụ: những người thiếu G6PD do di truyền rất hay bị thiếu máu tan máu do dùng thuốc chống sốt rét…

Dược lý cảnh giác, còn gọi là cảnh giác thuốc (pharmacovigilance): nghiên cứu về những phản ứng không mong muốn của thuốc xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc với liều thường dùng. ADRs giúp cho thầy thuốc cảnh giác cao trong khi sử dụng thuốc.

Qua một số nét khái quá về đối tượng của môn học, dược lý là môn học tích hợp, liên quan mật thiết với những môn học y dược khác như hóa dược, dược liệu, sinh hóa, giải phẫu – sinh lý, miễn dịch, điều trị học, tổ chức học…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *