Vào ngày 31/3/2015, “Hội thảo phổ biến nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” do Bộ Y tế phối hợp với Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP.HCM (HOSREM) tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp. Ban Tổ chức đã đón tiếp hơn 100 đại biểu từ các bệnh viện Phụ Sản và các đơn vị hỗ trợ sinh sản cùng với nhiều báo đài đến tham dự, lắng nghe và chia sẻ về nghị định số 10/2015/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 28/01/2015 (sau đây gọi tắt là nghị định).
Phát biểu khai mạc cho hội thảo, GS. TS. Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế, đã kêu gọi các đại biểu tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến để nghị định có thể đạt được hiệu quả khi đưa vào triển khai thực tiễn. Tiếp lời GS. TS. Nguyễn Viết Tiến, GS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng – Chủ tịch HOSREM, đã công nhận tính nhân văn và khoa học của nghị định trong việc tạo điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Bài trình bày kéo dài hơn một giờ đồng hồ của TS. Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, đã tóm tắt và giải thích những nội dung cơ bản trong nghị định. Nghị định được xây dựng dựa trên Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Tiếp theo đó, BS. Nguyễn Minh Tuấn – Chuyên viên Vụ Sức khỏe – Bà mẹ và Trẻ em trực thuộc Bộ Y tế, trình bày súc tích ngắn gọn về một số nội dung định hướng xây dựng Thông tư quy định chi tiết thi hành nghị định này. Phần cuối cùng là phần sôi nổi nhất, khi hơn 20 thắc mắc của các đại biểu được nêu ra xoay quanh nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định, cùng phần giải đáp của Ban Chủ tọa (gồm GS. TS. Nguyễn Viết Tiến, GS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng, TS. Nguyễn Huy Quang, PGS. TS. Lưu Thị Hồng – Vụ Trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em, ThS. Nguyễn Hồng Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế, Bộ Tư pháp) đã mở ra nhiều hướng nhìn đa chiều xoay quanh nghị định.
Nghị định gồm những điểm chính cần lưu ý sau:
· Chỉ các cặp vợ chồng chưa có con chung mới được phép nhờ người mang thai hộ.
· Người mang thai hộ phải là người cùng hàng bên vợ hoặc bên chồng của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ, bao gồm: anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể; em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ.
· Việc mang thai hộ dựa trên nguyên tắc tự nguyện, nghĩa là cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ đều tự nguyện trong suốt quá trình mang thai hộ.
· Chỉ chấp nhận các trường hợp mang thai hộ vì lý do nhân đạo, không chấp nhận mang thai hộ vì mục đích thương mại. Liên quan đến việc mang thai hộ thuê, nếu phát hiện các hành vi có liên quan, có thể bị phạt tù đến 7 năm, với nhân viên y tế có thể bị tước chứng chỉ hành nghề 1-5 năm.
· Người mang thai hộ phải từng sinh con (không kể là sinh sống hay bé đã mất). Nếu người mang thai hộ đã kết hôn thì phải có giấy đồng ý cho phép mang thai hộ của chồng. Nếu người mang thai hộ độc thân thì phải có giấy xác nhận độc thân.
· Cần tham khảo và thực hiện đúng theo các qui định pháp luật hiện hành. Các bất cập hoặc phát sinh từ thực tiễn áp dụng sẽ được Bộ Y tế, Chính phủ và Quốc hội xem xét điều chỉnh phù hợp hơn trong tương lai.
Hội thảo là một nỗ lực của Bộ Y tế và HSOREM trong việc đưa các qui định mới về pháp luật đến với nhân viên y tế và cộng đồng. Hội thảo sẽ góp phần giúp các qui định pháp luật về các kỹ thuật điều trị y học được áp dụng vào thực tiễn một cách phù hợp, đúng với pháp luật hiện hành.
Ban Tổ chức chân thành cảm ơn sự đóng góp ý kiến tích cực từ quý đại biểu, sự cố gắng của Bộ Y tế, Vụ Pháp chế, Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em trong việc xây dựng nên nghị định và giải đáp thắc mắc. Ngoài ra, Ban tổ chức gửi lời cảm ơn đến công ty MSD, Ferring, Hướng Việt, BioMedic đã tài trợ cho việc tổ chức hội thảo.
Trần Hữu Yến Ngọc