BS. Lê Văn Khánh
Sinh non hiện tại vẫn là nguyên nhân chính gây ra tử xuất của trẻ sơ sinh đồng thời cũng là nguyên nhân làm tăng gánh nặng xã hội đáng kể về sau cho việc chăm sóc cho những bệnh lý đi kèm. Do đó việc điều trị giảm co và dự phòng sinh non vẫn là chủ đề được nhiều bác sỹ sản khoa quan tâm, nghiên cứu. Đáp ứng nhu cầu này, Hội thảo chuyên gia ”Chiến lược giảm gánh nặng sinh non” đã được Hội nội tiết sinh sản và Vô sinh TP.Hồ Chí Minh (HOSREM) tổ chức vào ngày 30 tháng 11 năm 2014 tại khách sạn Legend với sự tài trợ của Văn phòng đại diện Besins healthcare tại Việt Nam.
Hội thảo đã tập trung được hơn 60 chuyên gia sản phụ khoa đầu ngành đến từ những bệnh viện, trung tâm sản phụ khoa lớn khắp Việt Nam. Hội thảo vinh dự được sự tham dự và báo cáo của ngài GS.Di Renzo Hiệu trưởng Đại học Perugia của Ý, là chuyên gia hàng đầu thế giới hiện nay về sinh non, ngoài ra còn có sự tham dự của PGS. TS. BS Nguyễn Viết Tiến Thứ trưởng BYT-Chủ tịch VINAGOFPA , BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng Chủ tịch HOSREM, và Giám đốc các bệnh viện Phụ Sản lớn nhất ở VN như BVPSTW, BV Từ Dũ, BV Hùng Vương, và BVPS Hà Nội (PGĐ).
Mở đầu hội thảo, ThS. BS Lê Quang Thanh, Giám đốc BV Từ Dũ đã có một bài báo tổng quan về chủ đề được quan tâm khá nhiều hiện nay trong việc dự phòng sinh non là “Cổ tử cung ngắn và Progesterone”. Bài báo cáo tổng quan bao gồm những cơ chế sinh lý cũng như những chứng cứ y học mới nhất vừa được cập nhật giúp các đại biểu tham dự có cái nhìn tổng quát hơn về mối liên quan của độ dài CTC và nguy cơ sinh non cũng như hiệu quả của Progesterone trong việc dự phòng sinh non.
Bài báo cáo mang lại nhiều kiến thức mới và cũng được các đại biểu tham dự quan tâm nhiều nhất là báo cáo “Dọa sinh non: Bệnh học, yếu tố nguy cơ và biện pháp tầm soát” của Giáo sư Di Renzo. Với những kiến thức ở cấp độ sinh học phân tử, di truyền học và miễn dịch học, Giáo sư đã mang đến hội nghị những cái nhìn mới mẻ, sâu sắc hơn về cơ chế bệnh sinh của tình trạng sinh non. Nhờ trình độ y học ngày càng phát triển, ngày càng có nhiều hơn nguyên nhân gây ra tình trạng sinh non được làm sáng tỏ, tuy nhiên đây cũng là một thử thách khá lớn cho các nhà nghiên cứu khi phải tìm ra biện pháp dự phòng và giải quyết những nguyên nhân đó. Ngoại trừ làm rõ hơn những yếu tố nguy cơ gây sinh non đã được nhắc đến từ trước như tình trạng viêm nhiễm âm đạo, nhiễm trùng ối, tình trạng CTC, tử cung bị căng quá mức, …, Giáo sư còn trình bày một số yếu tố nguy cơ gây sinh non mới được báo cáo gần đây, trong đó có nhiều yếu tố được các đại biểu quan tâm và cùng thảo luận.
Sau đó, Giáo sư đã tiếp tục trình bày về những biện pháp quản lý và dự phòng sinh non dựa theo những phác đồ mới nhất hiện nay của những tổ chức uy tín trên thế giới trong lãnh vực quản lý sinh non. Từ những biện pháp quản lý tình trạng chuyển dạ sinh non, Giáo sư đã có những phân tích nhằm đưa ra những biện pháp tầm soát, dự phòng và xử trí phù hợp nhất về mặt kinh tế cũng như trình độ y học của mỗi trung tâm y tế. Một vấn đề khác trong bài báo cáo cũng được các đại biểu quan tâm và thảo luận là những cận lâm sàng mới được phát triển nhằm đánh giá nguy cơ sinh non như thước đo độ dài CTC, xét nghiệm fetal fibronectin và một xét nghiệm mới đang được nghiên cứu có giá trị tiên đoán dương và âm khá cao trong chẩn đoán sinh non là Partosure.
Tiếp theo, ThS. BS Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký HOSREM đã có bài tham luận “Cập nhật những chứng cứ y học về mối liên quan của sinh non và thai kỳ sau hỗ trợ sinh sản”. Với hơn 15.000 chu kỳ điều trị TTTON một năm hiện nay ở Việt Nam thì chủ đề này cũng rất đáng được quan tâm. Một số liệu khá thú vị trong bài báo cáo được Bs Tường nêu ra là những thai kỳ sau chuyển phôi đông lạnh có một số yếu tố ưu thế hơn thai kỳ chuyển phôi tươi như tình trạng sinh non thấp hơn, cân nặng trung bình cao hơn, tỷ lệ thai nhỏ hơn tuổi thai thấp hơn. Đây là những số liệu đáng để các bác sỹ công tác trong lĩnh vực HTSS nghiên cứu thêm để có những lựa chọn điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
Sau các bài báo cáo, các đại biểu đã có những tham luận, những câu hỏi cho các báo cáo viên và cho cả đại diện Bộ y tế, BGĐ các bệnh viện nhằm đưa ra những đồng thuận trong việc dự phòng tình trạng sinh non. Một số thắc mắc của các đại biểu tham dự được giải đáp trọn vẹn và đạt được sự đồng thuận chung nhưng cũng còn nhiều vấn đề cần chờ thêm các chứng cứ y học để đưa ra đồng thuận.
Nói chung, việc dự phòng sinh non hiện nay vẫn còn tồn tại song song nhiều phác đồ cũng như nhiều quan điểm điều trị khác nhau do cơ chế dẫn đến chuyển dạ sinh non vẫn còn nhiều điều cần làm rõ. Các đại biểu tham dự đều nhất trí rằng việc dự phòng phải phối hợp với xử lý nguyên nhân gây ra chuyển dạ sinh non (nếu có) nhằm mang lại hiệu quả điều trị cao nhất.
Hội thảo đã kết thúc một cách thành công tốt đẹp và nhận được nhiều sự phản hồi tích cực từ các đại biểu tham dự. HOSREM tiếp tục thể hiện vai trò làm cầu nối giúp những cán bộ công tác trong lãnh vực y tế gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm cũng như cập nhật những kiến thức mới nhất trong chăm sóc sức khỏe sinh sản.