Sau 4 lần thất bại với điều trị TTTON, chị P.K., 33 tuổi đã có thai với kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng, bằng tia laser. Đây là trường hợp thành công đầu tiên tại Việt nam, áp dụng kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng bằng tia laser. Kỹ thuật được thực hiện tại Trung tâm TTTON Bệnh viện Vạn Hạnh.
Bệnh nhân là chị Đ.T.P.K, 33 tuổi, được chỉ định làm TTTON, sử dụng tinh trùng sinh thiết do chồng không có tinh trùng trong tinh dịch. Đây là lần điều trị thứ 5 của chị (các lần điều trị trước đây đều thất bại). Trong chu kỳ này, bệnh nhân chọc hút được 20 trứng, có 14 phôi hình thành. Chuyển phôi (04 phôi) vào ngày 3, và có 8 phôi trữ lạnh. Khác với những lần điều trị thất bại trước đây, các phôi trước khi chuyển được tiến hành hỗ trợ thoát màng bằng công nghệ laser. Kết quả thử thai sau hai tuần chuyển phôi là nồng độ hCG đạt 539 mIU/mL và siêu âm hơn 2 tuần sau cho thấy có một thai sống trong lòng tử cung.
Vào tháng 6/2206 vừa qua, trung tâm TTTON Vạn Hạnh cũng đã báo trường hợp có thai với kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng bằng phương pháp sử dụng acid Tyrode. Từ khi được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1989, acid Tyrode được sử dụng một cách rộng rãi trong hỗ trợ phôi thoát màng. Công nghệ laser là phương pháp hiện đại nhất và gần đây được sử dụng tại các trung tâm TTTON lớn trên thế giới. Với công nghệ mới này, việc hỗ trợ phôi thoát màng có thể được thực hiện dễ dàng hơn, ít phụ thuộc vào tay nghề của chuyên viên, chính xác hơn và thời gian cần thiết để đào tạo cũng sẽ rút ngắn hơn. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho hệ thống laser ZILOS-tk cũng cao hơn.
Cho đến nay, đã có hàng trăm trường hợp được tiến hành hỗ trợ thoát màng tại Trung tâm TTTON Vạn Hạnh. Sắp tới đây, ngày 1/11/2008, Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM (HOSREM) với sự hỗ trợ về kỹ thuật của A.R.T. Consulting, sẽ tổ chức buổi hội thảo thực hành chuyên đề “Làm thế nào để tăng tỷ lệ làm tổ của phôi trong TTTON” nhằm chuyển giao kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng (bằng công nghệ laser và acid Tyrode) cho các trung tâm khác trong cả nước.