Hội nghị VÔ SINH VÀ KỸ THUẬT HỖ TRỢ SINH SẢN lần IV
Hình ảnh tại Hội nghị VÔ SINH VÀ KỸ THUẬT HỖ TRỢ SINH SẢN lần IV
Rate this post

Sau bài phát biểu khai mạc hội nghị của GS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng – người đặt những cột mốc đầu tiên trong lịch sử phát triển gần 20 năm qua của kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam, chương trình hội nghị với 17 báo cáo hội trường chia làm 4 phiên (với 2 hội trường vệ tinh) đã diễn ra trong không khí rất sôi nổi và hào hứng.

Hội nghị VÔ SINH VÀ KỸ THUẬT HỖ TRỢ SINH SẢN lần IV
Hình ảnh tại Hội nghị VÔ SINH VÀ KỸ THUẬT HỖ TRỢ SINH SẢN lần IV

Phiên khai mạc hội nghị mở đầu bằng bài báo cáo “Ứng dụng nguyên tắc sinh lý để kích thích bằng gonadotrophin” của TS. Jørgen Grinsted đến từ Đan Mạch. Bài báo cáo chia sẻ những kinh nghiệm quí báu về việc sử dụng hMG tinh khiết cao có bổ sung hCG (HP-hMG) trong kích thích buồng trứng – một công thức còn nhiều tranh cãi về cơ chế và hiệu quả. Phần thảo luận rất sôi nổi ngay sau đó giữa các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam với chuyên gia đến từ Bắc Âu cho thấy đây thực sự là một đề tài nhận được sự quan tâm rất lớn. Báo cáo tiếp theo của BS. Âu Nhựt Luân – một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong việc sử dụng thuốc ức chế men thơm hóa trong hỗ trợ sinh sản – đã mang đến những kiến thức rất bổ ích về sử dụng loại thuốc này trong kích thích rụng trứng. Những kiến thức được sẻ chia bằng tất cả tâm huyết của BS. Luân trong bài báo cáo cũng như trong phần tranh luận nhận được rất nhiều những tràng pháo tay trong hội trường.

Xem thêm: Thuốc Proxeed plus giúp tăng cường chất lượng tinh trùng ở nam giới.

Trong nhiều năm qua, lĩnh vực hỗ trợ sinh sản ở nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc về cả số lượng lẫn chất lượng, có những kỹ thuật chuyên sâu tiệm cận với trình độ của khu vực và trên thế giới. Bài báo cáo kết thúc phiên khai mạc của ThS. Hồ Mạnh Tường giới thiệu đến toàn thể hội trường những công nghệ, kỹ thuật mới cũng như những xu hướng phát triển trong thời gian tới của kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Để các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đạt được hiệu quả cao hơn nữa, đồng thời cũng phải an toàn và giảm được chi phí điều trị… thì các trung tâm trong nước cũng phải không ngừng cải tiến để theo kịp các xu hướng này.

Phiên tiếp theo của hội nghị là những chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn lâm sàng về những vấn đề gặp phải trong điều trị vô sinh và các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Bài báo cáo mở đầu về vai trò của phẫu thuật nội soi của TS. Bùi Chí Thương, phẫu thuật viên có nhiều năm kinh nghiệm thực hiện những kỹ thuật mổ nội soi trên các đối tượng điều trị vô sinh được hội trường lắng nghe và thảo luận tích cực. Những kỹ thuật này hiện nay được áp dụng khá rộng rãi đưa đến nhiều lợi ích, tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những nguy cơ của việc lạm dụng kỹ thuật. Bài báo cáo nhấn mạnh đến việc áp dụng y học chứng cứ và cá thể hóa trên từng trường hợp cụ thể để đạt được hiệu quả điều trị cao hơn. Bài báo cáo của ThS. Lê Đăng Khoa nói về một khía cạnh khác trong điều trị vô sinh hiện chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ trong các trung tâm, đó là vô sinh nam. Nhằm giúp cho quá trình chẩn đoán và điều trị vô sinh nam ngày càng tốt hơn, bài báo cáo nhấn mạnh việc phân loại, đánh giá và diễn giải kết quả sinh thiết tinh hoàn cần phải tuân theo bảng đánh giá được khuyến cáo bởi Hiệp hội Nam khoa Châu Âu. Bài báo cáo “Chia trứng – sẻ chia hạnh phúc, nhân đôi cơ hội” của TS. Vũ Minh Ngọc đề cập đến một vấn đề không phải là mới mẻ, đã được áp dụng có hiệu quả trên thế giới từ rất lâu, tuy nhiên, việc áp dụng tại nước ta cần chú ý đến những vấn đề pháp lý có liên quan.

Phiên làm việc tiếp theo về những vấn đề thuộc mảng lâm sàng trong điều trị vô sinh được bắt đầu bằng bài báo cáo của TS. Nguyễn Xuân Hợi. Bài báo cáo trình bày về những nguyên nhân và giải pháp xử trí cho trường hợp thất bại làm tổ liên tiếp – một vấn đề cực kỳ nan giải. Qua bài báo cáo, chúng ta thấy hiện nay dù đã có nhiều tiến bộ nhưng việc đánh giá nguyên nhân cũng như quyết định xử trí trong trường hợp lâm sàng này vẫn còn nhiều khó khăn. Cần cá thể hóa trong xử trí để đạt được hiệu quả phù hợp nhất.

Theo xu hướng chung của thế giới, chuyển phôi trữ lạnh bắt đầu được áp dụng rộng rãi trong các trung tâm ở nước ta. Chuẩn bị nội mạc tử cung cho chuyển phôi trữ lạnh là một khâu rất quan trọng. Bài báo cáo về các phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung của ThS. Giang Huỳnh Như giúp các bác sĩ lâm sàng có cái nhìn khái quát, phân tích được ưu khuyết điểm và chọn lựa được phác đồ phù hợp với mỗi đối tượng bệnh nhân. Tiếp tục phần cập nhật về các kiến thức lâm sàng, ThS. Vương Thị Ngọc Lan giới thiệu phương pháp sử dụng GnRH đồng vận khởi động trưởng thành noãn với nhiều ưu điểm hơn so với phương pháp sử dụng hCG truyền thống. Phương pháp này hứa hẹn sẽ là một phương pháp phổ biến trong tương lai giúp cho kích thích buồng trứng an toàn và hiệu quả hơn. Với phong cách trình bày lôi cuốn, các bài báo cáo thực sự để lại những ấn tượng sâu đậm với đại biểu tham dự.

Song song với các báo cáo ở hội trường chính, còn có 2 phiên hội thảo vệ tinh tập trung chủ yếu về quản trị chất lượng trong hỗ trợ sinh sản và các vấn đề khác trong labo.
Để cải thiện chất lượng trong hỗ trợ sinh sản nhằm phục vụ bệnh nhân được tốt nhất, một hệ thống quản trị chất lượng tốt sẽ là trọng điểm cần phát triển của một trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Cả 3 bài báo cáo tại phiên hội thảo vệ tinh đầu tiên đều tập trung vào nội dung này. Bài báo cáo của TS. Adrianne Pope trình bày về hệ thống quản trị chất lượng (QMS) trong hỗ trợ sinh sản, trong đó có lồng ghép những kinh nghiệm thực hành tại Úc (nơi bà đang làm việc). Mặc dù chỉ với 20 phút trình bày, bài báo cáo đã mang tới cái nhìn rộng mở hơn về quản trị chất lượng và các giá trị cốt lõi trong hỗ trợ sinh sản dưới góc nhìn của người quản trị chất lượng. Từ đó, hoạch định các giá trị cần cải tiến và cách thực hiện, nhằm mang giải pháp tổng thể để phục vụ bệnh nhân điều trị hiếm muộn được tốt nhất. Trong giải pháp tổng thể mà QMS mang lại, kiểm soát chất lượng (QC) như bài báo cáo của TS. Jørgen Grinsted là thành phần rất quan trọng góp phần vào hiệu quả của QMS. Nhập giá trị đầu vào và phân tích dữ kiện, hai việc tưởng chừng như rất đơn giản nhưng thực sự cần nhiều đầu tư trí lực và con người. Bài báo cáo giúp cho các đại biểu có cái nhìn thực tế và áp dụng vào thực tiễn tốt hơn.
Tiếp nối hai bài báo cáo của các chuyên gia nước ngoài, bài báo cáo “Sử dụng mô hình tiên lượng trong tư vấn và điều trị hiếm muộn” của chuyên viên quản trị chất lượng TTTON Phạm Dương Toàn (IVF Mỹ Đức) giới thiệu đến các đại biểu tham dự một công cụ có tiềm năng lớn góp phần tăng hiệu quả tư vấn và điều trị hiếm muộn bằng phương pháp TTTON. Đồng thời, những kinh nghiệm sử dụng thực tiễn tại IVF Mỹ Đức cũng được giới thiệu đến đông đảo đại biểu tham dự. Phần thảo luận sôi nổi giữa đại biểu tham dự và các báo cáo viên cho thấy mức độ ấn tượng của các đề tài được báo cáo cũng như tiềm năng phát triển mạnh mẽ của vấn đề quản trị, kiểm soát chất lượng trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản ở nước ta.

Phiên hội thảo vệ tinh thứ hai mở đầu bằng một báo cáo của PGS. TS. Lê Minh Tâm, giới thiệu một kết quả nghiên cứu được thực hiện tại Trung tâm Nội tiết sinh sản và Vô sinh, Đại học Y Dược Huế. Kết quả nghiên cứu cho thấy yếu tố phân chia phôi sớm là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho các nhà phôi học lâm sàng chọn lọc được những phôi có sức sống tốt nhằm nâng cao hiệu quả của TTTON. Tiếp tục về vấn đề chọn lựa phôi tối ưu, báo cáo của ThS. Mai Công Minh Tâm về ưu điểm của hệ thống time-lapse (hệ thống quan sát phôi liên tục bằng camera) cho đại biểu tham dự một cái nhìn khái quát về ưu-khuyết điểm của hệ thống này. Những chia sẻ tiếp theo về kinh nghiệm thực tiễn thu thập được trong quá trình thực hiện giúp các trung tâm muốn triển khai áp dụng hệ thống này có được cái nhìn thực tế hơn.

Xen kẽ giữa hai báo cáo này là một báo cáo nghiên cứu của BS. Trần Phương Linh về hiệu quả của phương pháp làm tổn thương nhẹ nội mạc tử cung trong những trường hợp thất bại làm tổ nhiều lần chưa rõ nguyên nhân. Mặc dù nghiên cứu còn nhiều hạn chế, nhưng hứa hẹn có thể là một giải pháp lâm sàng đơn giản giúp cải thiện kết quả cho nhóm bệnh nhân đặc biệt này.

Các đề tài báo cáo tại hội nghị năm nay thu hút sự quan tâm và tham gia thảo luận sôi nổi của đông đảo đại biểu tham dự cho đến những báo cáo trong phiên kết thúc của hội nghị.

Tại phiên IV, BS. Âu Nhựt Luân một lần nữa thu hút người nghe bởi bài báo cáo về những quan điểm hiện nay trong xử trí ứ dịch ống dẫn trứng ở bệnh nhân vô sinh. Báo cáo nêu ra nhiều quan điểm và hướng xử trí khác nhau trên tinh thần y học chứng cứ. Tuy nhiên, sẽ không có một xử trí chung cho tất cả các trường hợp, mà với mỗi cá thể khác nhau sẽ được xử trí phù hợp theo những cách khác nhau. Việc điều trị cần cân nhắc kỹ càng giữa lợi ích và nguy cơ để không đưa đến điều trị quá mức. Vấn đề đào tạo phẫu thuật viên đủ khả năng cũng là một vấn đề quan trọng.

Báo cáo khép lại hội nghị của ThS. Hồ Mạnh Tường giới thiệu phương pháp bổ sung testosterone qua da nhằm làm tăng hiệu quả đáp ứng kích thích buồng trứng ở đối tượng đáp ứng kém. Với nhiều ưu điểm nên đây có thể sẽ là một hướng đi trong tương lai. Tuy nhiên, hiện phương pháp này hiện vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để khẳng định được hiệu quả.

Hội nghị Vô sinh và Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản lần IV với chủ đề “Cải tiến chất lượng trong hỗ trợ sinh sản” đã kết thúc một cách tốt đẹp. Như đã đề cập trên đây, hiện nay chuyên ngành hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam đã từng bước tiệm cận và ngang bằng với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, trên thế giới, những kiến thức mới, những kỹ thuật mới vẫn tiếp tục ra đời nhằm cải thiện hiệu quả, độ an toàn của các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Không nằm ngoài xu thế phát triển đó, ngành hỗ trợ sinh sản nước ta cũng phải vận động và tiến bộ không ngừng. Và những diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm được HOSREM tổ chức thường niên như hội nghị này được ghi nhận góp phần quan trọng trong dòng vận động không ngừng nghỉ của ngành hỗ trợ sinh sản Việt Nam.

Bùi Quang Trung – Nguyễn Thị Ngọc Anh

 

 

LEAVE A REPLY
Please enter your comment!